NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Ngày đăng: 11/06/2023 07:12 PM

    1. Đánh giá khái quát tác động của hoạt động Thừa phát lại đối với công tác tư pháp và cải cách tư pháp liên quan đến Viện KSND:

    Theo từ điển Luật học- Viện khoa học pháp lý- Bộ tư pháp thì Thừa phát lại là Viên chức tống đạt các giấy tờ và thi hành phán quyết của Tòa án hay thu một sản vật.

    Theo Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh thì Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

    Trên thế giới, Chế định Thừa phát lại được thừa nhận và thực hiện có từ rất lâu, nhất là ở Pháp. Ở Việt Nam, Chế định Thừa phát lại được thực hiện ở thời kỳ Pháp thuộc theo Bộ dân luật với các tên gọi khác nhau như “ thừa phát lại”, “ trưởng tòa”, “mõ tòa” nhưng đều có nguồn gốc từ tiếng Pháp là “Huissier” có nghĩa là gác cửa, trưởng tòa. Theo đó hoạt động của Thừa phát lại bao gồm: 1.Trước khi xét xử Thừa phát lại được lập các vi bằng, biên bản; tống đạt các thư mời, giấy triệu tập; 2.Trong khi xét xử, thừa phát lại có nhiệm vụ báo tin tòa đăng đường, tòa bế mạc; truyền đạt việc gọi tên các đương sự, người làm chứng, chuyển chứng cứ; giữ gìn trật tự phiên tòa; 3. Sau khi xét xử thừa phát lại tống đạt các giấy tờ đốc thúc thi hành án; lập các chứng thư thi hành các nội dung bản án đã tuyên về trục xuất, phát mại tài sản, trả nợ…Thừa phát lại được bổ nhiệm và là công lại, nhiệm lại, nhưng không phải là công chức hưởng lương Nhà nước. Thừa phát lại được tổ chức theo quản hạt Tòa án. Nhiệm vụ của Thừa phát lại rất rộng không chỉ thi hành các bản án mà còn thực hiện trước và trong khi xét xử.

    Cách mạng tháng 8/1945 đến 1950, Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vẫn tiếp tục sử dụng tổ chức Thừa phát lại. Tuy nhiên sau 1950 và theo luật tổ chức TAND năm 1960, tổ chức thừa phát lại không được thực hiện ở miền Bắc sau 1954, ở miền Nam sau 1975 mà nhiệm vụ này được giao cho Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.

    Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách đến năm 2020 đã nêu rõ: Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên), trước mắt có thể tổ chức tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo.

    Từ năm 2010, chế định này chính thức được thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua 2 năm thực hiện, chế định này được người dân đón nhận một cách tích cực.

    Theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, việc thí điểm chế định thừa phát lại được tiếp tục thực hiện tại 12 tỉnh thành đến hết ngày 31/12/2015, trong đó có Bình Định. Ngày 25/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 510/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ”Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.

    Ngày 25/01/2014, UBND tỉnh Bình Định có Quyết định số 260/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Bình Định do một Phó Chủ tịch thường trực là Trưởng ban. Tiếp đó, ngày 27/01/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 310/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại Bình Định. Trên cơ sở đó, Văn phòng chính thức đi vào hoạt động vào giữa tháng 3/2014.

    Việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại là một giải pháp có tính đột phá trong cải cách tư pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng như một số hoạt động khác chúng ta đã thực hiện thành công như công chứng, định giá, bán đấu giá tài sản…Theo đó, tạo cơ chế, mô hình để người dân có sự lựa chọn được dịch vụ pháp lý tốt và hiệu quả nhất trong việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan; tạo cơ sở và điều kiện để người dân xác lập các chứng cứ trong việc giải quyết các tranh chấp tại Tòa án cũng như trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế. Giải pháp này sẽ có tác động trực tiếp góp phần giảm tải cho hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự; tiết kiệm nguồn nhân lực, biên chế của cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án, giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Mặt khác người dân, tổ chức có thể thực hiện tốt hơn yêu cầu của mình khi tự mình khó có khả năng thực hiện như việc xác minh điều kiện thi hành án, lập chứng cứ trong tranh chấp dân sự, kinh tế…

    2.Các phương thức thực hiện hoạt động của VKSND đối với hoạt động Thừa phát lại:

    Căn cứ Luật tổ chức VKSND năm 2002; Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009; Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17/01/2014 về việc Hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng; Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội. Để bảo đảm cho hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại tuân thủ đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp của Đảng và Nhà nước, Viện KSND có một số chức năng như sau:

    Điều 48 Nghị định 61 quy định: Việc kiểm sát hoạt động Thừa phát lại thực hiện theo quy định của luật tổ chức VKSND và quy định pháp luật có liên quan.

    Điểm 5 Điều 3 Thông tư 03 quy định:Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh hoặc từ ngày lập biên bản xác minh, Văn phòng thừa phát lại có trách nhiệm gửi kết quả xác minh hoặc biên bản xác minh cho ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Viện KSND cấp huyện nơi đặt Văn phòng thừa phát lại.

    Điều 9 Thông tư số 09 quy định: Xác minh điều kiện thi hành ánQuyết định xác minh điều kiện thi hành án phải được gửi cho Viện KSND cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại và Cơ quan thi hành án dân sư theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

    Điều 21 quy định Phạm vi, thẩm quyền kiểm sát hoạt động thừa phát lại:Viện KSND cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền:

    1.Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thừa phát lại trong việc tống đạt các văn bản theo quy định của Luật tổ chức VKSND, pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về tố tụng.

    2.Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thừa phát lại trong việc thi hành án theo quy định của Luật tổ chức VKSND, pháp luật về thi hành án dân sự.

    Điều 22: Quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện KSND…

    Như vậy hoạt động chủ yếu của công tác kiểm sát đối với hoạt động của Văn phòng thừa phát lại như sau:

    - Kiểm sát việc tống đạt văn bản giấy tờ cho Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 21, 22, 23, 24 Nghị định 61 và khoản 6,7 Nghị định 135/2013/NĐ-CP.

    - Kiểm sát việc Văn phòng thừa phát lại tổ chức xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại các Điều 30, 31, 32, 33 Nghị định 61 và khoản 10, 11 Điều 2 Nghị định 135 và Điều 9 Thông tư 09.

    - Kiểm sát Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự theo quy định các Điều 34 đến Điều 44 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và khoản 12 Điều 2 Nghị định 135.

    - Thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu theo Điều 22 Thông tư 09.

    3. Những vấn đề phát hiện trong quá trình tổ chức hoạt động kiểm sát:

    Theo báo cáo của Văn phòng Thừa phát lại Bình Định, qua 4 tháng hoạt động, Văn phòng mới chỉ ký được hợp đồng với Cục thi hành án dân sự tỉnh về tống đạt các giấy tờ văn bản về thi hành án với các con số rất khiêm tốn: Thực hiện 12 Quyết định tống đạt; 02 vi bằng; Xác minh điều kiện thi hành án 16 trường hợp với tổng số tiền thu gần 40 triệu đồng.

    Qua Kiểm sát một số hồ sơ do Văn phòng cung cấp, VKSND tỉnh nhận thấy: Hầu hết các hồ sơ do Văn phòng Thừa phát lại Bình Định thực hiện đều đúng theo quy định của pháp luật. Mặt khác do mới đi vào hoạt động và số hồ sơ vụ việc thực hiện không nhiều nên còn quá sớm để có thể phát hiện những vi phạm, nhất là khi Văn phòng chưa trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định nào theo yêu cầu của đương sự.

    4. Một số đề xuất kiến nghị:

    - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện chủ trương thí điểm Thừa phát lại. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào, tổ chức nào được Đảng quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thì nơi đó, tổ chức đó phát triển rất mạnh mẽ.

    - Hoàn thiện thể chế về Thừa phát lại. Hiện nay, các quy định của Thừa phát lại còn nhiều bất cập, chưa thật sự là chỗ dựa vững chắc để Văn phòng Thừa phát lại thực hiện. Do vậy cần có những quy định chi tiết cụ thể hơn.

    - Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng công tác chuyên môn nghiệp vụ. Công tác Thừa phát lại là công việc mới, một số nhân viên của các Văn phòng còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Do vậy cần có sự đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức học tập, rút kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn trong thời gian đến.

    - Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về Thừa phát lại. Hiện nay, việc triển khai công tác Thừa phát lại đã được thực hiện. Song công tác quản lý Nhà nước có lúc, có nơi chưa làm tốt.

    - Quan tâm đúng mức đến công tác lựa chọn người để bổ nhiệm Thừa phát lại.

    - Đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Việc này Văn phòng Thừa phát lại phải chủ động trong công tác phối hợp với các ngành, chủ động xây dựng Quy chế phối hợp các ngành, chủ động công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh. Làm sao cho mọi người dân biết và hiểu tổ chức mình làm cái gì, nó như thế nào…

    - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Văn phòng Thừa phát lại.

    Đối với ngành kiểm sát:

    - Chủ động, tham mưu với lãnh đạo Viện về cơ cấu, tổ chức, số lượng cán bộ, kiểm sát viên phụ trách công tác này.

    -VKSND 2 cấp cần chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp, thi hành án, Tòa án và các ngành làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về Thừa phát lại, tạo điều kiện cho Văn phòng thừa phát lại từng bước đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả.

    - Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động của Thừa phát lại, kịp thời phát hiện vi phạm đề kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu văn phòng thực hiện đúng quy định của pháp luật về Thừa phát lại.

    - Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm sát viên, cán bộ làm công tác Thừa phát lại.

    - Xây dựng Quy chế phối hợp giữa Văn phòng thừa phát lại với Viện KSND cấp huyện nơi có Văn phòng thừa phát lại.

    Tóm lại, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại trên địa bàn Bình Định là quyết liệt. Tuy nhiên để nuôi sống một đứa con mới vừa ra đời như Văn phòng Thừa phát lại Bình Định thì cần có sự vào cuộc, chia sẻ của các cấp, các ngành ở địa phương, sự theo dõi, chỉ đạo sát sao của các ngành Trung ương, làm sao cho mọi người dân hiểu, biết được những công việc mà Thừa phát lại đang làm. Có như vậy thì chế định này mới thành công ở một địa phương khi mà số vụ việc so với TP. Hồ Chí Minh không phải là nhiều.

    Nhận báo giá
    Tra cứu khách hàng
    Zalo
    Hotline